:::

Giãn cách toàn xã hội hay đàn áp?

Biểu tình chống thiết quân luật (Ảnh: Michael Beltran)

Biểu tình chống thiết quân luật (Ảnh: Michael Beltran)

Giới thiệu về tác giả

Michael Beltran đã làm phóng viên được sáu năm, ông cũng dành cả cuộc đời mình cho các phong trào chính trị. Trong vai trò là một phóng viên, ông đã đưa tin về các đề tài có liên quan đến các nhóm người yếu thế ở đất nước mình, bao gồm những câu chuyện về nhân quyền; hạn chế quyền dân chủ; Trung Quốc; chủ nghĩa can thiệp của các nước lớn trên toàn cầ; những cuộc di dời, di cư, chạy loạn do bị cưỡng chế…  


Khi Philippines đang dần dần xoá bỏ lệnh giãn cách, cả nước vẫn chưa thể nguôi ngoai trước những tổn thất to lớn do đại dịch. Điều khiến người dân Philippines lo lắng nhất không phải là vi-rút, cũng không phải việc thiếu thốn vắc-xin hay tương lai sẽ ra sao…

Ở Philippines có rất nhiều các đoàn thể cộng đồng, mỗi nhóm sẽ đi theo một con đường khác nhau để thực hiện lý tưởng của mình. Tương tự như vậy, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức đoàn thể, các đoàn thể văn hóa và các ngành nghề không chỉ đóng góp đáng kể cho đất nước mà còn tạo điều kiện cho những người dân yếu thế nhất được ăn no mặc ấm.

Trong thời gian giãn cách xã hội, các đoàn thể cộng đồng đã đứng ra chung tay hỗ trợ giải quyết những thiếu sót. Trong thời gian này, thực phẩm và an toàn thực phẩm là một vấn đề cấp bách mỗi ngày, làm sao để những người thu nhập thấp luôn có đủ lương thực, đó là một vấn đề mà nhiều tổ chức phúc lợi xã hội phải giải quyết.

Tổ chức đoàn thể và các quỹ tài trợ đã thành lập khu vườn rau và bếp ăn cộng đồng trên khắp cả nước, đặc biệt là ở các khu hộ nghèo, nơi mà nguồn lương thực thiếu thốn nhất và tình trạng an toàn thực phẩm đáng lo ngại nhất. Treo trên mái nhà là những chậu cây được làm bằng chai nhựa tái chế, dùng để trồng rau củ, các tổ chức cùng nhau thu hoạch rau củ, sau đó cùng nhau nấu đồ ăn dành cho những người thiếu thốn và đói khổ.

Ngoài ra, hoạt động tương trợ lẫn nhau cũng xuất hiện ở khắp mọi nơi, đó là tủ thức ăn công cộng. Patricia Non là một nghệ sĩ, cũng là một người hoạt động xã hội ở địa phương, thực ra suy nghĩ lúc đầu của anh rất đơn giản, đó là đặt một cái bàn hoặc một cái kệ ở nơi công cộng, trên đó chứa đầy thức ăn, kèm theo dòng chữ “Hãy lấy những gì bạn cần, cho đi những gì bạn có thể”, từ đó đã thổi bùng lên phong trào hỗ trợ lẫn nhau trên khắp đất nước.

Những hoạt động này đã giải quyết các nhu cầu thiết yếu hiện tại, nhưng nó cũng cho thấy sự kém hiệu quả và thiếu thoả đáng của các biện pháp ứng phó với đại dịch của chính phủ. Không có gì ngạc nhiên khi chính phủ hòng gây áp lực lên những hành động này, xem họ như“những kẻ khủng bố” đã trở thành một chủ đề lặp đi lặp lại trong chính trị mùa dịch.

Trong hai năm qua, dư luận luôn tỏ thái độ hoài nghi về cách xử lý khủng hoảng của chính phủ, hoặc hầu hết dân chúng cho rằng chính phủ Duterte không có khả năng làm bất cứ điều gì trong tình cảnh giống như ngày tận thế ập đến này. Chính phủ này không giải quyết vấn đề y tế cấp bách, thay vào đó họ phong tỏa thành phố, dùng bạo lực nhà nước để khủng bố người bị nạn.

Bắt đầu từ cuối năm 2018, chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte đã tuyên chiến với các đối thủ chính trị. Dưới cái nhìn của Chính phủ, chỉ có những người cộng sản hoặc phần tử khủng bố (họ sử dụng hai thuật ngữ này thay thế cho nhau) mới nghi ngờ chế độ của họ. Quan trọng hơn là điều gì sẽ xảy ra sau đó? Những người chỉ trích chính trị của Chính phủ sẽ bị đánh dấu đỏ, nghĩa là những nhà hoạt động xã hội và những người có ý kiến trái chiều sẽ bị đánh đồng với những người ủng hộ hoặc tiếp tay cho thành phần cộng sản phản động, cũng đồng nghĩa rằng những người này có thể sẽ bị trừ khử.

Cụ thể là, ông Duterte đã thành lập “Lực lượng đặc nhiệm quốc gia nhằm chấm dứt xung đột vũ trang của cộng sản địa phương” (National Task Force to End the Local Communist Armed Conflict, viết tắt là NTF-ELCAC). Nói thêm về bối cảnh lịch sử, nội chiến Philippines đã diễn ra hơn 50 năm, nó được phát động bởi đội quân du kích vũ trang của Đảng Cộng sản Philippines (the Communist Party of the Philippines, viết tắt là CPP) và đội quân Nhân dân mới (the New People’s Army, viết tắt là NPA). Mặc dù họ là những kẻ đối đầu cứng đầu nhất của Chính phủ Philippines trong nhiều năm, nhưng những người dân thường chỉ trích chế độ này cũng bị coi là phần tử phản động và phải chịu sự tra xét tương tự. Các chính sách của chế độ này cực đoan đến mức bất kỳ lời lẽ nào chống lại Chính phủ, cũng đều được coi là lời lẽ tuyên truyền của Đảng Cộng sản nhằm cố gắng thu hút thanh niên tham gia vào cách mạng vũ trang.

Bản thân cuộc xung đột vũ trang đã cho thấy vô số các vấn đề nổi cộm mà Chính phủ chưa giải đáp được. Tại sao lại có nhiều người dân Philipines muốn đứng lên khởi nghĩa bằng vũ trang đến vậy ? Tại sao cuộc khởi nghĩa của họ lại diễn ra lâu như vậy? Sơ đồ cho một thỏa thuận hòa bình đã có từ rất lâu, nhưng cách xử lý đặc biệt của Duterte, đó là tập hợp tất cả kẻ thù lại với nhau, để cái ác cộng hưởng với cái ác và hợp lý hóa những hành động bạo lực đang ngày càng gia tăng.

Cuộc truy lùng phần tử Đảng Cộng sản này làm người ta nhớ đến những gì McCarthyism đã làm trong Chiến tranh Lạnh, diễn ra cùng lúc với cuộc chiến chống ma túy đẫm máu khét tiếng của Duterte. Trong những ngày đầu mới nhậm chức, Duterte đã thi hành chuyên án “Gõ cửa thuyết phục” (Oplan Tokhang), đây là hoạt động chống ma tuý do cơ quan hành pháp chỉ đạo. Trong cuộc chiến chống ma túy này, những người bị “gắn mác” nghiện ngập hoặc buôn bán ma túy sẽ bị trừ khử một cách nghiễm nhiên, và giống như cuộc chiến chống ma túy này, các đối thủ chính trị của Chính phủ cũng chịu sự hành xử tương tự.

Năm 2020, vào thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất cũng là giai đoạn nguy hiểm nhất đối với các nhà hoạt động xã hội. Ở yên trong nhà cũng có nghĩa là đang nằm trong tầm bắn. Với việc các nhà lãnh đạo nổi tiếng bị ám sát nhanh chóng và tàn bạo ngay tại nhà của họ, số lượng các nhà hoạt động xã hội bị xem là phần tử phản động bị giết hại cũng tăng lên rõ rệt.

Jory Porquia, Randall Echanis, Zara Alvarez và Carlito Badion là một số những nạn nhân nổi tiếng của bạo lực nhà nước. Họ đều bị buộc tội là “phần tử cộng sản phản động” trước khi bị sát hại. Dưới sự tuyên truyền của quân đội, cụm từ này đã trở nên phổ biến, nhằm củng cố quan điểm cho rằng Đảng Cộng sản thì trăm phần trăm là kẻ phản động. Việc tôn sùng bất kỳ hệ tư tưởng nào ở Philippines thì đều không vi phạm pháp luật, nhưng đối với lực lượng vũ trang, phe cánh tả chắc chắn là Đảng Cộng sản, mà Cộng sản bị đánh đồng với phần tử phản động, nên kẻ phản động này phải bị tiêu diệt thẳng tay.

Những hành vi tàn sát này thật đáng kinh hãi, thậm chí còn chấn động đến Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc. Và không chỉ các nhà hoạt động xã hội mới bị đánh dấu đỏ, các thành phần khác nhau trong xã hội như đại biểu Quốc hội, thành viên giáo hội, phóng viên và thậm chí cả báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc, kể cả những người nổi tiếng chỉ đơn thuần là làm từ thiện, cũng đều bị xem là phần tử phản động.

Chỉ cần đưa ra những lời phê phán chính quyền thì chắc chắn cũng bị liệt vào danh sách! Philippines nắm giữ khoản tài trợ và cho vay lớn nhất để ứng phó với dịch covid, nhưng số tiền được dùng để cứu trợ lại rất rất nhỏ. Trong khi hầu hết số tiền lại chảy vào ngân khố quân đội và cảnh sát để tăng cường triển khai những chính sách của họ ở trong nước, đối với những vi phạm dù là nhỏ nhặt nhất ví dụ như không đeo khẩu trang, vị phạm lệnh giới nghiêm, hoặc thậm chí chỉ bước ra khỏi cửa nhà cũng sẽ đều bị kết án tù.

Chúng ta thường nghe nói rằng, so với sợ virus, thì điều đáng sợ hãi hơn đối với người dân ở các khu ổ chuột đó là mất việc làm, mất kế sinh nhai, phải nhịn đói nhịn khát. Vào tháng 4 năm 2020, vấn đề này ngày càng nổi cộm, hàng trăm người dân nghèo ở khu ổ chuột tại thủ đô Manila đã cùng nhau phát động các cuộc biểu tình, kháng nghị việc họ không được giúp đỡ, thiếu lương thực, trong khi đó các đồng minh của ông Duterte đang khoe khoang sự giàu có và đặc quyền của mình. Những người biểu tình nhận về là những cái dùi cui và còng số tám. Trong số những người nghèo đói nhất cả nước đó có 21 người bị bỏ tù, và chỉ sau làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn quốc xảy ra thì họ mới được tại ngoại.

Vào tháng 7 năm 2020, Chính phủ thậm chí đã đơn giản hóa quy trình tàn sát mục tiêu của mình, bằng việc thông qua “Luật chống khủng bố” dù gặp phải rất nhiều ý kiến trái chiều, đây là chính sách quốc gia tàn bạo và hại nước hại dân nhất của Philippines kể từ thời kỳ thiết quân luật của chế độ độc tài trong những năm 1970-1980.

“Luật chống khủng bố” là đỉnh cao của sự lố lăng của Duterte và tay sai của ông ta, luật pháp cho phép hạn chế quyền tự do dân chủ một cách vô lý. Giờ đây, chỉ cần bị nghi ngờ là phần tử phản động thì mọi người đều có thể bị bắt khi chưa có lệnh bắt giữ, định nghĩa về “phản động” được mở rộng ra phạm vi tất cả mọi người.

Hầu hết những điều trên cùng xảy ra vào năm 2020. Thật không may, nó giống như vi-rút vậy, những sự kiện này đã trở thành một hệ tư tưởng cho sự phát triển của Philippines cho đến ngày nay. Thảm họa nhân quyền tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây đang diễn ra trên đất nước này, đồng thời quyền kinh tế của những tầng lớp yếu thế nhất cũng liên tục bị tước đoạt. Sự xấu xí của Philippines không chỉ để lại những trang đen tối nhất trong hồ sơ nhân quyền của nước này, nó cũng cho thấy những sự bất bình đẳng xã hội trần trụi nhất đã được bộc lộ trong thời gian giãn cách xã hội. Ngay cả khi hậu quả của những khủng hoảng trong quá khứ không còn vướng bận nữa, thì cũng không có gì khác biệt, cuộc tổng tuyển cử vừa kết thúc vào tháng 5 năm 2022 sẽ chỉ khiến những cảm giác đó trở nên mạnh mẽ hơn.

Sự vi phạm nhân quyền một cách toàn diện này đã gây ra làn sóng phản kháng chưa từng có, người dân đứng lên biểu tình, hội họp, chiến tranh trên mạng xã hội, v.v...

Nhờ những nỗ lực của mạng xã hội, sự vùng dậy của dân chúng, mà họ đã giành lại được một khoảng trời nhỏ cho dân chủ và nhân quyền, nó có tác động sâu rộng trong việc ngăn chặn Philippines đi lùi lại về thời kỳ thiết quân luật đầy khắc nghiệt.

Chúng ta có lý do để nuôi hy vọng. Khu vườn rau, nhà bếp và tủ thức ăn cộng đồng chỉ là một phần nào đó của sự kháng cự. Sự kháng cự có nhiều hình thức, ngày càng có nhiều người ra đường để nói lên sự phản đối, và tần suất cũng ngày càng cao. Mọi thứ sẽ tồi tệ hơn trước khi mọi thứ trở nên tốt hơn, và nhiều người dân Philippines, các tổ chức, đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc này.

Khu vườn rau cộng đồng (Ảnh: Michael Beltran)

Khu vườn rau cộng đồng (Ảnh: Michael Beltran)